22 C
Vietnam
Thứ sáu, Tháng mười 18, 2024

Tâm sen chữa mất ngủ hiệu quả không? Cách dùng thế nào?

Dùng tâm sen chữa mất ngủ là một trong những mẹo được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách uống tâm sen chữa mất ngủ như thế nào để đạt được hiệu quả tối ưu và cần lưu ý gì khi dùng tâm sen. Nếu bạn muốn hiểu về tim sen chữa mất ngủ hãy tham khảo những chia sẻ trong bài viết dưới đây!

Tim sen (tâm sen) có tác dụng gì trong việc trị mất ngủ

Tim sen hay còn gọi là tâm sen, liên tâm. Đây là phần lá mầm nằm bên trong hạt sen, từ lâu đã được biết đến và sử dụng như một vị thuốc trong y học cổ truyền. Theo Đông y, tim sen có vị đắng, tính hàn, có thể giúp giải nhiệt, an thần, giải tỏa căng thẳng nên thường được sử dụng để trị mất ngủ. Ngoài ra, loại thảo dược này còn có công dụng để ổn định huyết áp, giảm cân, cải thiện làn da….

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, trong thành phần của tim sen có chứa asparagin, nelumbin, nuciferin, liensini có thể giúp thư giãn và cải thiện giấc ngủ. Có thể sử dụng tim sen cho người lớn tuổi, người thường xuyên làm việc căng thẳng.

Tim sen (tâm sen) có tác dụng gì trong việc trị mất ngủ
Tim sen (tâm sen) có tác dụng gì trong việc trị mất ngủ

Cách dùng tâm sen chữa mất ngủ đơn giản tại nhà

Cách dùng tâm sen chữa mất ngủ quen thuộc của hầu hết mọi người là pha trà. Tuy nhiên, để tâm sen phát huy hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số cách sử dụng dưới đây:

Cách 1: Trà tim sen trị mất ngủ

Với cách dùng tâm sen chữa mất ngủ này, bạn chỉ cần mua tâm sen tươi hoặc khô về rửa sạch, sao vàng để loại bỏ độc tố. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể sao với số lượng nhiều cho vào lọ thủy tinh, sau đó bảo quản nơi thoáng mát để dùng dần.

Mỗi ngày, bạn chỉ cần lấy 1 muỗng nhỏ tâm sen cho vào ấm, đổ nước sôi vào ủ khoảng 15 –  20 phút cho các tinh chất từ tâm sen ngấm ra nước rồi uống như uống trà. Kiên trì sử dụng một thời gian sẽ thấy chất lượng giấc ngủ được cải thiện đáng kể.

Cách 2: Tâm sen kết hợp cùng hoa nhài, lá vông và táo nhân

Theo Đông y, hoa nhài có tính bình, hơi hàn, vị đắng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Trong khi đó, lá vông có tính bình, vị hơi đắng và chát, có tác dụng làm giảm căng thẳng và an thần. Táo nhân có công dụng trị các chứng mất ngủ, hay ra mồ hôi. Do đó, bạn có thể kết hợp tâm sen cùng hoa nhài và lá vông để tăng hiệu quả trị mất ngủ tại nhà. 

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 10g táo nhân, 10g hoa nhài, 20g lá vông, 5g tâm sen
  • Táo nhân rửa sạch rồi đập dập, lá vông sao khô rồi tán thành bột
  • Cho táo nhân, lá vông và tâm sen vào trong 1 lít nước đun sôi, tắt bếp, cho hoa nhài vào. Lấy nước này uống nhiều lần trong ngày.
Tâm sen kết hợp cùng hoa nhài
Tâm sen kết hợp cùng hoa nhài

Cách 3: Chữa mất ngủ bằng tim sen và cam thảo

Theo Đông y, cam thảo có vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm đau hiệu quả.  Nếu bạn bị mất ngủ, khó ngủ kèm theo nóng trong người có thể kết hợp tâm sen cùng cam thảo để sử dụng.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 5g cam thảo khô, 8g tâm sen
  • Cam thảo tán thành bột mịn, cho tâm sen và bột cam thảo vào hãm cùng một lượng nước sôi uống vừa đủ trong ngày.

Cam thảo kết hợp cùng tâm sen có thể giúp tăng hiệu quả trị mất ngủ

Cách 4: Tâm sen kết hợp cùng mạch môn và hạt muồng

Tâm sen kết hợp cùng mạch môn, hạt muồng là một trong những bài thuốc Đông y chữa khó ngủ do tâm phiền, hồi hộp, lo âu được rất nhiều người “rỉ tai” nhau trong thời gian gần đây. Bạn có thể dùng tim sen trị mất ngủ theo cách này như sau:

  • Chuẩn bị 20g hạt muồng, 15g mạch môn, 8g tâm sen
  • Toàn bộ nguyên liệu đem sao khô rồi hãm với nước sôi uống trong ngày.

Cách 5: Tâm sen kết hợp cùng hoa hòe và hoa cúc vàng

Theo Đông y, nụ hoa hòe có tác dụng thanh nhiệt, giải độc nên thường được dùng để cải thiện tình trạng trằn trọc khó ngủ, ngủ không sâu giấc. Trong khi đó, hoa cúc được xem là một loại thuốc an thần nhẹ nhờ tác dụng làm dịu thần kinh, có lợi cho người mất ngủ. Do đó, bạn có thể kết hợp tâm sen với hoa hòe và hoa cúc để tăng hiệu quả trị mất ngủ tại nhà.

Cách thực hiện:

  • Chuẩn bị 10g nụ hoa hòe khô, 8g hoa cúc khô, 4g tâm sen sao vàng
  • Cho tất cả nguyên liệu vào ấm, cho nước nóng vào lắc nhẹ, bỏ nước đầu
  • Sau đó cho thêm 500ml nước sôi vào hãm trà trong 15 phút, lấy nước này để uống trong ngày.

Cách 6: Trị mất ngủ bằng cháo tim sen

Tim sen ngoài dùng để pha trà trị mất ngủ còn có thể dùng để nấu cháo. Bài thuốc dân gian trị mất ngủ từ cháo tim sen có thể sử dụng cho những trường hợp như người già, người bị táo bón. 

Cách thực hiện

  • Chuẩn bị 5g tâm sen, 100g gạo tẻ
  • Gạo tẻ vo sạch rồi cho vào nồi ninh nhừ thành cháo cùng với tâm sen
  • Khi cháo chín có thể cho thêm một ít đường phèn (tùy theo khẩu vị), chia cháo thành nhiều phần ăn trong ngày để cải thiện giấc ngủ.
Trị mất ngủ bằng cháo tim sen
Trị mất ngủ bằng cháo tim sen

Những lưu ý khi sử dụng tâm sen chữa mất ngủ

Mặc dù tim sen có thể giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng mất ngủ, nhưng nếu lạm dụng hoặc dùng sai cách sẽ gây ra những tác hại nhất định. Do đó, khi lựa chọn tâm sen chữa mất ngủ bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Không nên sử dụng trà tâm sên mỗi ngày: hàm lượng alkaloid bên trong tim sen có tác động dược lực mạnh, có thể gây mệt mỏi, ảnh hưởng đến tim. Ngoài ra, sử dụng tâm sen thường xuyên còn ảnh hưởng đến chức năng sinh lý của cơ thể như giảm ham muốn ở nam, rối loạn kinh nguyệt ở nữ.
  • Không nên dùng tâm sen quá 1 tháng, mỗi ngày chỉ nên dùng 1 – 3g tâm sen để tránh tác dụng phụ.
  • Nên sao vàng tim sen trước khi sử dụng để loại bỏ độc tố.
  • Không sử dụng trà tim sen chữa mất ngủ khi bụng đói.
  • Người bị tỳ vị hư yếu (ăn không ngon, đầy bụng, tiêu chảy,…), bị tiểu đường, đau dạ dày, có nồng độ cholesterol trong máu cao, người có thân thể suy nhược, phụ nữ đang mang thai và cho con bú không nên sử dụng tim sen trị mất ngủ.

Để cải thiện tình trạng mất ngủ một cách hiệu quả bạn cần xác định nguyên nhân bản thân mất ngủ do đâu. Từ đó, có biện pháp can thiệp từ bên trong một cách khoa học. Không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc trị mất ngủ của tâm sen. Thực tế, tâm sen chữa mất ngủ chỉ có thể giúp hỗ trợ phần nào tình trạng mất ngủ và phụ thuộc vào cơ địa mỗi người.

Bài viết gần đây